Tại cuộc họp báo ngày 11/07, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết hiệp hội sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức Diễn đàn “Đối đầu Thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam – EU” vào ngày 18/7/2019 tại TP. HCM tới đây.
Chia sẻ tại buổi hợp báo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: “6 tháng đầu năm 2019, nền kinh tế có những chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực chậm lại”.
Trong bối cảnh đó, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) ngày 30/6/2019 là một bước đi quan trọng trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Hơn nữa, Hiệp định này được ký kết trong bối cảnh kinh tế - thương mại toàn cầu đang đứng trước những thách thức to lớn từ cạnh tranh chiến lược và tranh chấp thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương và yêu cầu cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm thích ứng hơn với sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hoá, kinh tế số và thương mại điện tử - ông Hưng cho hay.
Quang cảnh buổi họp báo
"Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận toàn diện và kịp thời với diễn biến mau lẹ và sâu sắc của cạnh tranh chiến lược và tranh chấp thương mại Mỹ - Trung cũng như điều chỉnh chiến lược kinh doanh khi EVFTA có hiệu lực, Hiệp hội Thương mại điện tử phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức Diễn đàn “Đối đầu Thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU”", Chủ tịch VECOM phát biểu.
Cũng tại buổi họp báo, ông Phạm Tấn Đạt - CEO Fado.vn đã nêu bật những lợi thế từ tranh chấp thương mại bằng xuất khẩu trực tuyến. Theo ông Đạt, các Chính phủ đánh thuế cao lên hàng hoá nhập khẩu của nhau, tăng phòng vệ thương mại bằng các hàng rào kỹ thuật, hệ quả người tiêu dùng phải trả thuế cao để mua hàng hoá, nhu cầu giảm. Do đó, các nhà nhập khẩu từ Mỹ, Trung tìm cách tránh phải thêm thuế bằng cách chuyển hướng thương mại, nhanh chóng nguồn cung cấp thay thế từ nước bên lề.
Bên cạnh đó, theo ông Đạt, các nhà nhập khẩu tìm thấy hàng Việt Nam qua cách truyền thống như tham gia triển lãm, các văn phòng đại lý xúc tiến thương mại doanh nghiệp Việt tại nước ngoài... Tuy nhiên, phải thực sự có tiềm lực thì mới thực hiện được phương thức này vì tốn nhiều chi phí. Do đó, công nghệ đã thay đổi phương thức giao thương với nhiều ưu điểm hơn như tăng cường phạm vi tiếp cận khách hàng, giao hàng đến tận tay khách hàng.... Vì vậy, có thể khẳng định, thương mại điện tử là chìa khoá giúp doanh nghiệp, đặc biệt là nhỏ và vừa dễ dàng thích ứng, khai mở được thị trường mới ít tốn kém và hiệu quả nhất.
Cũng trong khuôn khổ lễ họp báo, ông Nguyễn Minh Đức - CEO IM Group đã chia sẻ về những trở ngại chính khi xuất khẩu trực tuyến. Theo ông Đức, những trở ngại đó là nguồn lực về triển khai thương mại điện tử tại doanh nghiệp không có, không có nơi đào tạo; nghiên cứu thị trường địa phương để lên chiến lược cụ thể phù hợp; rào cản về ngôn ngữ; thủ tục và giấy phép lên quan xuất khẩu trực tuyến; vận chuyển trong thương mại điện tử.
"Diễn đàn Đối đầu Thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU" lần này dự kiến có sự tham dự của khoảng 600 khách mời bao gồm: các diễn giả uy tín trong các lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về quan hệ quốc tế và kinh tế, quản lý nhà nước, đàm phán kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại, kinh doanh xuất nhập khẩu, các đơn vị cung cấp các nền tảng thương mại điện tử và đông đảo doanh nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nội dung sự kiện sẽ bao gồm các phần: Tham quan các gian hàng doanh nghiệp và sản phẩm xuất nhập khẩu, công nghệ, thương mại điện tử; Phần1: Đối đầu Thương mại Mỹ - Trung và toạ đàm tương tác; Phần 2: Đối đầu Thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định EVFTA - Những tác động từ doanh nghiệp; Phần 3: Khai thác các cơ hội từ xuất khẩu trực tuyến.
Trong đó, diễn đàn ưu tiên trao đổi việc khai thác cơ hội từ xuất khẩu trực tuyến, giúp doanh nghiệp có cơ hội nắm bắt được xu hướng hiện tại, đáp ứng kịp thời trước những diễn biến mau lẹ của kinh tế thế giới để điều chỉnh chiến lược kinh doanh khi EVFTA có hiệu lực.
Nguyễn Loan/Thương Trường